Lễ lập tịch là một nghi lễ cổ truyền ghi nhận sự trưởng thành của người con trai trong gia đình và dòng họ....
Vào tháng 10, tháng 11 âm lịch hàng năm, du khách có dịp đi trải nghiệm tại bản dân tộc Dao ở Sơn La chắc hẳn sẽ được quan sát một nghi lễ đặc biệt quan trọng: Lễ lập tịch là một nghi lễ cổ truyền ghi nhận sự trưởng thành của người con trai trong gia đình và dòng họ. Người Dao quan niệm rằng để trở thành người đàn ông thực sự, được lấy vợ, sử dụng tranh thờ, mướn làm thày... người con trai phải được làm lễ đặt tên (Lập tịch) để các "ma" chứng kiến; Tùy theo gia cảnh của mỗi gia đình mà người ta làm lễ Lập tịch cho con trai sớm hay muộn, thông thường nam giới đến độ tuổi từ 11 đến 15 lúc đó gia đình chuẩn bị mọi điều kiện để làm lễ.
Khi mùa màng đã thu hoạch xong, thời gian nông nhàn bà con chuẩn bị mời thầy cúng đến làm lễ Lập tịch cho con trai trong gia đình, nghi lễ được tổ chức trong 3 ngày, 2 đêm:
Ngày đầu tiên, gia đình mời anh em, bà con trong bản đến chuẩn bị đồ cúng như: Làm bánh nếp, đồ xôi, mổ lợn; In giấy ngựa, tiền cúng treo tranh lên bàn thờ, làm mọi thủ tục cần thiết để thày cúng mời Tiên sư, ma lành, ma dữ đến phù hộ cho gia đình. Đêm đến, dân bản sử dụng tất cả các nhạc cụ làm nhạc đệm như trống, chiêng, chuông cùng nhau múa hát. Tiếp sau, làm lễ xin các ma được đặt tên cho con trai.
Ngày thứ hai, thầy cúng làm thủ tục đuổi ma dữ đi, dân bản cùng nhau chúc mừng người con trai đã trở thành người đàn ông thực sự.
Ngày thứ 3, thày cúng và các cô gái trong bản cùng hát bài hát đưa ma lành về quê cha đất tổ, đốt giấy ngựa, tiền giả biếu ma để ma yên tâm ra đi, gia đình gia chủ được yên ấm.
Lễ lập tịch của dân tộc Dao là một nghi lễ truyền thống biểu trưng của nét đẹp văn hóa trong mảng màu 54 dân tộc Việt nam hiện đang được gìn giữ, bảo lưu.
0 bình luận