Đồng chí Tô Hiệu- nhân tố quan trọng trong công tác xây dựng và tổ chức hoạt động của chi bộ Nhà tù Sơn La

Đồng chí Tô Hiệu- nhân tố quan trọng trong công tác xây dựng và tổ chức hoạt động của chi bộ Nhà tù Sơn La

Những ngày lãn công để đối phó với tên Công sứ xảo quyệt, có nhiều lính khố xanh trong đội cai quản tù nhân bị trách phạt vì không đốc thúc tù nhân làm đủ định mức khoán, đâm ra họ cũng mâu thuẫn với tù nhân.

 Tên công sứ càng lợi dụng khoét sâu mâu thuẫn này tạo hàng rào ngăn cách giữa lính khố xanh và tù nhân nhằm cô lập tù nhân chính trị. Một mặt hắn đốc thúc lính coi phải ráo riết ốp sát tù nhân để lính canh càng bị trói buộc với người tù. Chi bộ đã cử những anh em nói tiếng Thái giỏi, có khả tuyên truyền tốt như Nguyễn Văn Trân, Đào Đình Luống, Mai Đắc Bân …tiếp cận với lính canh với chiến thuật mưa dầm thấm lâu, ngán ngẩm than thở rằng: “ … Các ông ơi! Có mình đồng da sắt mà quanh năm quần quật như trâu bò thế này thì cũng không chịu nổi… huống chi là da thịt con người. Quan trên muốn hành hạ chúng tôi cho chết dần, chết mòn, các quan làm khổ lây các ông, lệnh quan làm chúng tôi cực mà các ông cũng cực, các quan ghét chúng tôi đã đành nhưng cũng chẳng thương gì các ông. Ôi! Vào giờ này các quan còn mải uống sâm panh, cô nhắc, ôm các bà vợ đầm…” . Các kíp lao động khổ sai được chi bộ chỉ đạo luân phiên lãn công kéo dài thời gian lao động, trưa trật ra rồi mà còn chưa xong việc, lính canh cũng phải ốp theo, công việc không đạt mức khoán càng bị phạt thì lính canh cũng càng phải theo tiến độ đó mà làm nhiệm vụ, thời gian về làm giúp gia đình không còn bao nhiêu dần dà họ càng bức xúc với cai ngục, quan Tây. Mặt khác, thấy các tù nhân dù khó khăn, đói khổ đến đâu vẫn đùm bọc, chia sẻ với nhau, tổ chức đời sống rất quy củ, dám đối mặt với cả công sứ, nên nhiều binh lính, cai ngục nể phục tư cách những người tù cộng sản bị giam cầm nơi đây và ngầm giúp đỡ tù nhân như: cai ngục Lò Văn Sôn, đội Hào, cai Piệng, quản Mười, quản Thuật…. Từ đó bịt được lỗ hổng mà tên công sứ đang hí hửng khoét sâu.

       Kíp đục lỗ mìn khai thác đá ở Chiềng Lề có bốn người: Đào Đình Luống, Nguyễn Đức Thuận, Nguyễn Trung Dong, Nguyễn Khai, do một người lính Thái tên Long trông coi, đôn đốc. Những lúc nghỉ tay còn chung nhau hút thuốc lào, dăm ba câu chuyện phiếm mà gần gũi nhau (kỳ thực những câu chuyện tưởng chừng như vô thưởng vô phạt về nỗi nhớ nhà của những tù nhân xa xứ, hay những lời động viên gia đình anh lính những ngày đói giáp hạt mà vẫn phải nộp thóc cho quan trên) đã gieo vào lòng người lính Thái nỗi ngờ vực: Rõ ràng họ là những người tốt, sao lại bị bỏ tù, khéo chính phủ nhầm cũng nên! Thôi cứ để họ làm được đến đâu thì làm, quan có hỏi thì mình sẽ nói giúp, quan quản, ngài đội cũng là người Thái với mình thì cũng dễ thôi.

       Anh lính Long còn tin tưởng kíp lao động đến nỗi gửi lại súng, để cho anh em tự quản rồi tạt về nhà, còn dặn anh em: “ Khi nào quan tây đến xa xa thì chạy nhanh về báo cho tôi, đừng để nó biết là được”. Có lần còn được anh lính chỉ cho cách sử dụng súng.

       Nếu thực dân Pháp dùng người Việt trị người Việt, thì chi bộ đã tương kế tựu kế, đã có nhiều người lính Thái như anh lính Long là lực lượng hậu thuẫn cho công tác cách mạng của chi bộ.

       Đối với bà con, khi đi lao động khổ sai, ban trật tự ngoài quán triệt anh em dù thiếu thốn đến mấy cũng không được lấy bất kỳ thứ gì của người dân, tranh thủ cơ hội để họ thấy được tư cách người cộng sản và thực chất họ không phải hạng giết người cướp của như thực dân Pháp rêu rao.

      Tổ trồng trọt khi tăng gia dôi dư còn đem giấu biếu gia đình bà con lân cận khu vườn rau, chính họ là người bảo vệ vườn rau giúp cho anh em. Nhiều gia đình binh lính neo người, không tăng gia được, tổ trồng trọt mùa nào thức ấy khi thì bắp cải, khi thì xu hào dúi cho họ mang về nhà. Qua tiếp xúc họ thấy rằng người tù rất gần gũi, hiểu biết và nói gì làm đấy, người dân tộc quý nhất tính thật thà của anh em tù nhân.

       Nhiều khi đi lao động, bà con còn mời vào nhà “kin xổm”  (quả chua gói lá cải non chấm với muối ớt) lâu ngày gây dựng được mối quan hệ thân thiện với người dân tộc khu bản Cọ, bản Chậu… dẫn dắt sau này gây dựng được cả một tổ chức “ Thanh niên cứu quốc” trong đồng bào - tổ chức cách mạng đầu tiên trên địa bàn tỉnh lỵ Sơn La, đặc biệt trong đó có người thanh niên Thái dũng cảm Lò Văn Giá, chính là người dẫn bốn tù nhân cộng sản vượt ngục Sơn La, cuộc vượt ngục duy nhất thành công.

Thành viên Hội “Thanh niên cứu quốc”

       Không chỉ bà con và binh lính ngay cả vợ con, người thân công chức cũng rất quý trọng tư cách những người tù.

       Chuyện là, tổ phục vụ tòa công sứ có Xuân Thủy, Tạ Ngọc Phách, Vương Gia Khương, Bùi Văn Duy…. Hàng ngày được cắt cử sang tòa công sứ quét tước, làm “cỏ vê”. Tên công sứ Robert Cabon thay thế Cousseau, đem theo cô em vợ người Huế để giúp trông coi cậu con trai 4, 5 tuổi. Thằng bé nghịch ngợm lại không hiểu tiếng Việt nên cô gái Huế ấy rất vất vả. Anh em quét được đống lá ở nào ở sân nó cũng đá văng tung tóe, cô gái phải đuổi theo giữ nó mà không nổi, thế là đồng chí Phách phải ra mặt phiên dịch tiếng Pháp cho thằng bé hiểu. Cô gái ngạc nhiên, nhìn đồng chí Phách, một người thanh niên cao ráo, trông sạch nước cản, giỏi tiếng Pháp, tại sao mà phải vào chốn lao tù khổ ải thế này! Mỗi khi chạm mặt nhau, kíp lao động đều đoán được tâm tư của cô gái trao gửi cho đồng chí Phách, có lần chờ lúc vắng người, cô kín đáo mang một bát cơm đầy, đắp mấy miếng thịt bự lên trên mang ra cho anh, anh từ chối khéo và cảm ơn cô, cô gái mắt đỏ hoe buồn tủi.

       Sau đó, có thông tin đến tai Robert, sợ cô em vợ làm lộ thông tin của hắn với tù nhân, hắn chuyển cô ấy về Huế.

       Đồng chí Lê Đức Thọ là người kín đáo, ứng phó linh hoạt được tổ chức giao nhiệm vụ lấy lòng tin của tên Giám ngục, sau đó được hắn nhận làm bồi và cho đi lại tự do trong phạm vi dưới 2km kể cả bên ngoài nhà tù, đồng chí trở thành đầu mối liên lạc của ta với lực lượng cảm tình cách mạng trong binh lính, công chức. Chi bộ đã gây dựng được một tổ kiên trung trong đồng bào dân tộc và một danh sách binh lính, công chức có cảm tình cách mạng.

       Từ một vùng đất mà Thực dân Pháp đánh giá “trắng cộng sản”, Tô Hiệu cùng tổ chức đã thắp sáng ngọn lửa cách mạng vùng Tây Bắc. Chi bộ Nhà tù Sơn La đã gieo mầm cách mạng từ trong ngục tối đến vùng đồng bào dân tộc. Tổ chức cách mạng đầu tiên trên địa bàn tỉnh Sơn La ấy là tiền đề quan trọng góp phần cho cách mạng Tháng 8 thành công và chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc vẻ vang.

       Cuộc vượt ngục thần thánh năm 1943.

        Ngay từ những năm 1940, Tô Hiệu đã nghĩ đến việc bắt liên lạc với Trung ương để nhận được sự chỉ đạo đồng bộ, đúng hướng với các vùng cách mạng khác. Vì vậy khi được đồng chí Bùi Đình Đổng báo tin trong đoàn công nhân từ Hải Phòng lên làm việc tại Nhà máy điện Sơn La có một số quần chúng cách mạng đã từng hoạt động với đồng chí Đổng tại Hải Phòng, Tô Hiệu lập tức cử đồng chí Lê Đức Thọ lấy lòng tin của sếp ngục được chúng cắt đặt công việc phục vụ, đi lại tự do bán kính 2km, có nhiệm vụ lập tức bắt liên lạc với nhóm công nhân. Dự định của Tô Hiệu sẽ gây dựng cơ sở với công nhân nhà máy điện Sơn La sau đó phát triển sang công nhân vận tải hãng Férrière, thiết lập đường dây liên lạc với trung ương. Công việc mới bắt đầu thì địch đánh hơi thấy và chuyển toàn bộ nhóm công nhân từ Hải Phòng về xuôi.

        Không chịu bó tay, chi bộ nhà tù Sơn La đã tiếp tục lên kế hoạch cho một cuộc vượt ngục lịch sử. Thực dân Pháp tự đắc rằng tù nhân chính trị vượt ngục không có cơ hội thành công, bởi bốn bề nhà ngục bị bao bọc bởi rừng rậm, thú dữ; con đường độc đạo bị kiểm soát gắt gao; mạng lưới phản động dày đặc sẵn sàng chặt đầu tù nhân vượt ngục; hơn nữa tù nhân chính trị không thể biết tiếng địa phương để hỏi đường thoát khỏi Sơn La.

        Năm 1942, khi đồng chí Trần Đăng Ninh bị đày lên ngục Sơn La cho biết, theo Nghị quyết Trung ương 8, phong trào cách mạng các vùng đang lên cao, trung ương rất cần lực lượng chéo lái con thuyền cách mạng vượt qua sóng biển, mà một bộ phận không nhỏ cốt cán của ta bị cầm giữ trong các nhà ngục của đế quốc, trung ương chỉ thị đưa cán bộ vượt ngục về tiếp ứng phong trào. Nhưng vì không có điều kiện mang theo văn bản, chỉ là truyền miệng nên có ý kiến của chi ủy viên đã phân tíchvà cho rằng: “vượt ngục là quá mạo hiểm, chờ mãn hạn trở về với phong trào,  tổ chức vượt ngục làm gì cho phí công” và đã có cuộc vượt ngục đầu tiên của hai đồng chí tù chính trị người Tày- Cao Bằng đã thất bại thê thảm, người mất tích trong rừng, người thì bị bêu đầu ngoài cửa ngục. Nhưng đồng chí Trần Đăng Ninh đấu tranh kịch liệt để bảo vệ chỉ thị. Khi đó Tô Hiệu vì sức khỏe yếu nên rút về làm cố vấn chi bộ, đồng chí chốt ý kiến: “Phải tổ chức vượt ngục bổ sung lực lượng cho trung ương, tất nhiên phải chuẩn bị chu đáo mọi mặt. Đây là cuộc đấu tranh cần thiết phải làm, có thất bại thì ta làm lại, còn hơn ngồi im không làm gì cả”. Tô Hiệu đã vạch ra phương án vượt ngục kỹ lưỡng và kiên quyết bảo vệ đồng chí Nguyễn Lương Bằng trong danh sách vượt ngục.

 

       Không chịu bó tay, chi bộ nhà tù Sơn La đã tiếp tục lên kế hoạch cho một cuộc vượt ngục lịch sử. Thực dân Pháp tự đắc rằng tù nhân chính trị vượt ngục không có cơ hội thành công, bởi bốn bề nhà ngục bị bao bọc bởi rừng rậm, thú dữ; con đường độc đạo bị kiểm soát gắt gao; mạng lưới phản động dày đặc sẵn sàng chặt đầu tù nhân vượt ngục; hơn nữa tù nhân chính trị không thể biết tiếng địa phương để hỏi đường thoát khỏi Sơn La.

       Năm 1942, khi đồng chí Trần Đăng Ninh bị đày lên ngục Sơn La cho biết, theo Nghị quyết Trung ương 8, phong trào cách mạng các vùng đang lên cao, trung ương rất cần lực lượng chéo lái con thuyền cách mạng vượt qua sóng biển, mà một bộ phận không nhỏ cốt cán của ta bị cầm giữ trong các nhà ngục của đế quốc, trung ương chỉ thị đưa cán bộ vượt ngục về tiếp ứng phong trào. Nhưng vì không có điều kiện mang theo văn bản, chỉ là truyền miệng nên có ý kiến của chi ủy viên đã phân tíchvà cho rằng: “vượt ngục là quá mạo hiểm, chờ mãn hạn trở về với phong trào,  tổ chức vượt ngục làm gì cho phí công” và đã có cuộc vượt ngục đầu tiên của hai đồng chí tù chính trị người Tày- Cao Bằng đã thất bại thê thảm, người mất tích trong rừng, người thì bị bêu đầu ngoài cửa ngục. Nhưng đồng chí Trần Đăng Ninh đấu tranh kịch liệt để bảo vệ chỉ thị. Khi đó Tô Hiệu vì sức khỏe yếu nên rút về làm cố vấn chi bộ, đồng chí chốt ý kiến: “Phải tổ chức vượt ngục bổ sung lực lượng cho trung ương, tất nhiên phải chuẩn bị chu đáo mọi mặt. Đây là cuộc đấu tranh cần thiết phải làm, có thất bại thì ta làm lại, còn hơn ngồi im không làm gì cả”. Tô Hiệu đã vạch ra phương án vượt ngục kỹ lưỡng và kiên quyết bảo vệ đồng chí Nguyễn Lương Bằng trong danh sách vượt ngục.

      Trải qua 9 ngày đêm đi bộ băng rừng, vượt núi vô cùng gian khổ và có những lúc tưởng chừng thất bại vì công lệnh truy nã phát đi toàn Đông Dương và anh em sa vào tay giặc, nhưng trí tuệ người Cộng sản minh mẫn nhất lúc gian nguy nhất nên anh em ứng phó rất linh hoạt. Cuối cùng cũng về được với phong trào bắt được liên lạc với Trung ương đảng, chi bộ nhà tù Sơn La được Trung ương đảng công nhận là chi bộ đặc biệt do Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo và giao cho đồng chí Bình Phương làm liên lạc. Từ đó cách mạng Sơn La phát triển mạnh mẽ, quy củ, tạo điều kiện quan trọng cho cách mạng tháng Tám thành công  và chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại.

      Đồng chí Tô Hiệu bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai năm 1939, khi đó mới 27 tuổi, nhưng đã là ủy viên thường vụ xứ ủy Bác kỳ, giai đoạn ấy thì đó là một chức vụ rất cao trong Đảng. Với bản lĩnh chính trị kiên cường, tinh thần trách nhiệm cao, rất nhạy cảm với cái đúng-cái sai, giải quyết các công việc thận trọng, chính xác, phẩm chất trong sáng, chí công vô tư, tận tụy với cách mạng đến hơi thở cuối cùng. Tô Hiệu là một gương nhân cách cộng sản mẫu mực, người lãnh đạo xuất sắc hiếm có. Nhưng không phải nhìn vào vị trí trong tổ chức để đánh giá con người đồng chí mà nhìn nhận ở nhân cách của một nhà cách mạng, có đóng góp to lớn cho tổ quốc. Đức độ và tài năng của đồng chí khiến mọi người đều khâm phục.

       Tháng 9/1947, tại Định Hóa ( Thái Nguyên) Trung ương đảng mở lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ trung cao cấp, đồng chí Lê Đức Thọ- ủy viên bộ Chính trị, trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì đã đặt tên lớp huấn luyện là lớp Tô Hiệu, là tiền thân của trường Nguyễn Ái Quốc sau này.

       Trên quê hương Hưng Yên, vùng đất cảng Hải Phòng nơi đồng chí công tác, mảnh đất Sơn La nơi đồng chí tiếp tục kiên cường chiến đấu với kẻ thù và đã yên nghỉ cùng với các đồng chí của mình, đã có những con đường, những ngôi trường, những địa danh được mang tên đồng chí để ghi nhớ công lao của đồng chí dành cho nhân dân, cho Đảng, cho đất nước.

 

Nguyễn Thị Ngọc Tú:  Phòng giáo dục - Truyền thông

Từ khoá:Du lịch Thành phố Sơn La

0 bình luận

Viết bình luận của bạn

IZOMI