Lần đầu tiên Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam có sự tham gia của các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như: Voso.vn của Tập đoàn Viettel; PostMart của Bưu điện Việt Nam; trải nghiệm sàn giao dịch nông sản ảo Metaverse của Tỉnh Đoàn Sơn La; sàn giao dịch, truy xuất nguồn gốc, nông sản tỉnh Sơn La của Vinaphone và Bản đồ trái cây Việt Nam của Mia Fruit.
Trải nghiệm sàn TMĐT PosMart.vn, du khách được thăm quan, mua sắm những sản phẩm nông sản đặc trưng của các vùng miền. Trong đó, có 83 sản phẩm OCOP tiêu biểu của các hộ sản xuất nông nghiệp, HTX, doanh nghiệp của tỉnh Sơn La. Chị Nguyễn Minh Loan, Phòng Nghiệp vụ, Bưu điện tỉnh Sơn La, cho biết: Gian hàng số có 4 quầy hàng để du khách trải nghiệm, gồm: Quầy mua sản phẩm nông sản trực tiếp, quầy cho khách hàng thử nghiệm mua hàng trên sàn TMĐT, quầy chụp ảnh lưu niệm và quầy tiếp nhận các đơn hàng. Trong 4 ngày diễn ra Festival, PostMart.vn đã tiếp nhận hơn 1.000 đơn đặt mua hàng nông sản từ khắp các tỉnh, thành.
Du khách trải nghiệm gian hàng nông sản tại sàn TMĐT PostMart.vn.
Đến từ tỉnh Thừa Thiên Huế, chị Lại Thị Kim Ánh, chia sẻ: Sau khi trải nghiệm ứng dụng PostMart.vn tôi nhận thấy rất tiện ích, chỉ cần có điện thoại, máy tính kết nối Intenet và cài đặt App PostMart.vn là có thể lựa chọn tất cả các sản phẩm từ mọi vùng, miền. Tôi đã được thưởng thức một số đặc sản trái cây của Sơn La như: xoài, mận hậu, các loại hoa quả sấy dẻo, tôi thấy rất ngon, hương vị đặc trưng. Cảm nhận của chị Lại Thị Kim Ánh cũng là cảm nhận chung của rất nhiều khách hàng sau khi trải nghiệm sàn TMĐT PostMart.vn.
Ông Phan Trọng Lê, Giám đốc sàn TMĐT PostMart.vn trao đổi với nhân viên gian hàng trưng bày của Bưu điện Việt Nam tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam.
Còn tại “gian hàng số” Viettel, chị Nguyễn Thị Kim Linh, Trưởng nhóm TMĐT, phụ trách sàn Voso.vn Chi nhánh Sơn La, nói: Tham gia Festival Voso.vn đã hỗ trợ đưa 46 gian hàng của các huyện, thành phố, với 126 sản phẩm nổi bật và sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La lên sàn TMĐT. Hiện nay, sàn TMĐT Voso.vn đã cung cấp dịch vụ truy xuất nguồn gốc, xác thực địa lý vùng trồng. Ưu điểm của sàn, người cung cấp có thể đăng ký sử dụng qua Icheck - phần mềm ứng dụng giúp người dùng có thể kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa thông qua chức năng quét mã vạch. Đồng thời, phát triển người mua thông qua cửa hàng số, định vị địa chỉ số, dùng công nghệ số để kết nối người bán và người mua, phát triển tài khoản thanh toán điện tử.
Nhân viên sàn TMĐT Voso.vn hướng dẫn khách hàng cài đặt App.
Lần đầu tiên được đến trải nghiệm tại gian hàng Voso chị Lò Thị Thi, huyện Sông Mã, phấn khởi, nói: Đây là phương tiện hiệu quả trong giới thiệu, quảng bá, sản phẩm. Vui mừng, nhãn Sông Mã và long nhãn đã được Voso.vn hỗ trợ tiêu thụ trong thời gian qua, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19.
Nhân viên sàn TMĐT Voso.vn tư vấn cách bán hàng trên ứng dụng cho HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, huyện Thuận Châu.
Để lại nhiều ấn tượng với du khách dự tại Festival, là sàn giao dịch nông sản ảo Metaverse của Tỉnh đoàn Sơn La. Anh Vi Tuấn Bảo, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, thông tin: Sàn có 3 gian hàng chính được bố trí như 1 phòng triển lãm có hình ảnh, video hơn 30 sản phẩm OCOP. Chỉ cần đeo kính thực tế ảo và 2 thiết bị cầm tay khách có thể tự mình khám phá, tìm hiểm thông tin của tất cả sản phẩm trong showroom mà không cần nhân viên tư vấn. Thực tế ảo tạo nên trải nghiệm bán hàng kết nối cảm xúc mạnh mẽ với khách hàng. Nhiều người sau khi trải nghiệm đã xin thông tin, địa chỉ của các sản phẩm nông sản do thanh niên Sơn La trồng để đặt hàng.
Trải nghiệm sàn giao dịch nông sản ảo Metaverse của Tỉnh Đoàn Sơn La.
Ứng dụng thực tế ảo của sàn giao dịch nông sản ảo Metaverse của Tỉnh Đoàn Sơn La.
Ngoài ra, đến với Festival du khách còn được trải nghiệm sản phẩm mới của Mia Fruit, đó là Bản đồ trái cây Việt Nam. Chị Nguyễn Ngọc Huyền, Tổng giám đốc Mia Fruit, giới thiệu: Bản đồ này có dữ liệu về nông sản - trái cây của 63 tỉnh, thành. Chỉ cần click vào một đường link, khách hàng cũng như đối tác trong và ngoài nước đã có thể nắm bắt tổng quát về các loại trái cây đặc trưng của Việt Nam, mùa vụ trong từng tháng; cung cấp các chỉ dẫn địa lý, vùng trồng như thế nào, sản lượng bao nhiêu… để đối tác lên kế hoạch thu mua, bán hàng.
Gian hàng trưng bày Bản đồ trái cây Việt Nam.
Anh Đặng Ngọc Trung, huyện Phù Yên, chia sẻ: Truy cập vào trang web bandotraicayvietnam.com, tôi thấy được bức tranh khái quát về những loại trái cây rất ngon của các vùng, miền đều được hiện ra. Thật sự tự hào khi thấy 8 sản phẩm quả nổi tiếng của Sơn La như: Bơ, chanh leo, chuối, đào, mận hậu, nhãn, táo mèo, xoài tròn có mặt trên Bản đồ trái cây.
Sẽ không trọn vẹn cảm xúc với trải nghiệm gian hàng số tại Festival, nếu du khách bỏ qua gian hàng của Vinaphone. Tại đây, khách hàng được trải nghiệm sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nông sản tỉnh Sơn La chỉ qua một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối mạng Internet nhập đường link: sannongsansonla.vn khách hàng sẽ được trải nghiệm các sản phẩm OCOP của 59 HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua ứng dụng, khách hàng có thể trực tiếp đánh giá, gửi phản ánh về chất lượng, nguồn gốc cũng như các vấn đề liên quan đến sản phẩm tới đơn vị cung ứng hoặc các cơ quan quản lý Nhà nước.
Du khách check truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Nhận diện lợi ích của các gian hàng trực tuyến trưng bày tại Festival, ông Phạm Quốc Chinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, khẳng định: Việc tổ chức triển lãm trái cây và sản phẩm OCOP trên các sàn TMĐT đã giúp cơ quan quản lý Nhà nước, người dân nhận thấy vai trò quan trọng của việc chuyển đổi số trong nông nghiệp. Các gian hàng đã thu hút đông đảo du khách và người dân trong, ngoài tỉnh tới tham quan, trải nghiệm cho thấy đây là hình thức quảng bá nông sản hiệu quả, hướng đến xây dựng mỗi xã nông thôn mới sẽ là một siêu thị thu nhỏ trên sàn TMĐT.
Trước xu thế chuyển đổi số, việc đưa nông sản lên các sàn giao dịch TMĐT sẽ góp phần giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm; nâng cao năng lực cung cấp thông tin, dự báo thị trường, qua đó, điều chỉnh sản xuất phù hợp. Đồng thời, xóa bỏ khoảng cách về địa lý, thúc đẩy vai trò cầu nối đưa thương hiệu nông sản Sơn La nói riêng và Việt Nam nói chung “cất cánh” vươn xa tới nhiều vùng, lãnh thổ trên thế giới.
0 bình luận