LỊCH SỬ THÀNH PHỐ SƠN LA

LỊCH SỬ THÀNH PHỐ SƠN LA

Thành phố Sơn La trước năm 2008 là Thị xã Sơn La. Địa phận Thị xã Sơn La được chia ra từ châu Mường La. Châu Mường La xưa kia có 5 mường phìa: mường phìa Mường La hay còn gọi là Chiềng An, mường phìa Mường Bú (Chiềng Biên); mường phìa Mường Trai (Chiềng Nghiêm); mường phìa Mường Chiến (Ngọc Chiến) và mường phìa Mường Chùm. Mường phìa Chiềng An còn gọi là Mường phìa trong, là trung tâm lỵ sở, nơi châu mường đóng. Các mường phìa khác là Mường phía ngoài. Như vậy, lãnh thổ Thị xã là mường phìa Chiềng An, một trong năm mường phìa của châu Mường La ngày xưa.

Năm 1886, thực dân Pháp đánh chiếm Tây Bắc. Ngày 25-5-1886, Tổng Trú sứ Trung - Bắc kỳ ra nghị định chuyển châu Sơn La thuộc phủ Gia Hưng, tỉnh Hưng Hóa thành một cấp tương đương với cấp tỉnh do một sĩ quan với cương vị Phó công sứ cai trị. Tháng 3-1888, sau khi chiếm được Tây Bắc, thực dân Pháp lập trung khu Vạn Bú - Nghĩa Lộ, đặt trụ sở tại bản Pá Giạng, tổng Hiếu Trai. Ngày 20-8-1891, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định đưa địa hạt Sơn La vào địa bàn của Đạo quan binh thứ Tư, thủ phủ đặt tại Sơn La. Ngày 10-10-1895, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định bãi bỏ tiểu quân khu Vạn Bú và Lai Châu nhập thành tỉnh Vạn Bú. Việc chuyển Vạn Bú sang chế độ dân sự chính là thời điểm ra đời của tỉnh Sơn La, tỉnh lỵ đặt tại bản Pá Giạng, xã Ít Ong, châu Mường La. Ngày 23-8-1904, toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuyển tỉnh lỵ Vạn Bú về Chiềng Lề (thuộc châu Mường La) và đổi tên tỉnh Vạn Bú thanh tinh Sơn La. Năm 1908 chính quyền thuộc đỉa Pháp cho xay dựng Toa sư, nhà Giám binh Trại lính, các công sở, nhà tù trên đồi Khau Cả, tĩnh lỵ vẫn đặt tại đây cho đến ngày nay.

Ngày 28-6-1909, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định tách các châu: Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Điện Biên, Châu Lai và phủ Châu Luân của tỉnh Sơn La để thành lập tỉnh Lai Châu. Tỉnh Sơn La còn lại 6 châu: Mường La, Châu Yên, Mai Sơn, Châu Thuận, Phù Yên, Châu Mộc.

Sau khi chuyển Sơn La sang chế độ dân sự, chính quyền thực dân đã xúc tiến ngay việc thành lập và hoàn chỉnh bộ máy cai trị của chúng từ tỉnh cho đến các bản mường, phục vụ cho việc áp bức về chính trị, khai thác, bóc lột về kinh tế.

Tổ chức bộ máy cai trị của thực dân Pháp, phong kiến tay sai ở tỉnh Sơn La: Chính quyền thuộc địa cấp tỉnh lúc đầu là Phái bộ Chính phủ rồi Tòa công sứ đặt tại tỉnh lỵ. Đứng đầu Tòa công sứ là viên Công sứ người Pháp. Chính quyền thuộc địa tiếp tục duy trì bộ máy hành chính phong kiến để thông qua đó thực thi các chính sách cai trị của chúng bằng cách biến các quan lại địa phương từ cấp tỉnh xuống cấp châu, phủ thành những quan chức ăn lương, hưởng đặc quyền, đặc lợi...

Tháng 8-1945, nhân dân các dân tộc tỉnh lỵ Sơn La dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh đã cùng với nhân dân trong toàn tỉnh đứng lên khởi nghĩa đánh đuổi đế quốc Pháp và phát xít Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân vào ngày 26-8-1945.

Tháng 12-1946, khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc vùng tỉnh lỵ Sơn La đứng lên cùng cả nước anh dũng chiến đấu, giành lại tự do độc lập.

Năm 1952 giải phóng Tây Bắc, các cơ quan hành chính của tỉnh Sơn La đóng tại phố Chiềng Lề. Chiềng Lề lúc này giữ vị trí của một thị trấn, là trung tâm buôn bán nhỏ, nằm gọn dưới chân đồi Khau Cả, trước đó là trung tâm hành chính đóng bộ máy cai trị của thực dân Pháp.

Năm 1955, Khu tự trị Tây Bắc được thành lập, các cơ quan khu tạm thời đóng trụ sở tại thị trấn Thuận Châu. Năm 1959, theo đề nghị của Ban Chấp hành Khu ủy Tây Bắc và ủy ban hành chính Khu tự trị Thái - Mèo, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chuẩn y cho khu xây dựng hạ tầng cơ sở ở thị trấn châu Mường La thành đơn vị hành chính cấp thị xã đầu tiên ở khu Tây Bắc, đồng thời trụ sở các cơ quan khu chuyển về đây. Ngày 26-10-1961, theo Quyết định sô" 173-CP của Hội đồng Chính phủ, Thị xã Sơn La - thị xã đầu tiên của miền Tây Bắc thành lập. Nơi đây trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của Khu tự trị Tây Bắc. Lúc bấy giờ địa bàn Thị xã Sơn La bao gồm: Thị trấn Chiềng Lề, xã Chiềng Cơi, bản Họ Hẹo và bản Lầu của xã Chiềng An thuộc châu Mường La.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm mộ đồng chí Tô Hiệu

 tại Nghĩa trang liệt sỹ Nhà ngục Sơn La tháng 5-1959

 

Thị xã Sơn La khi mới thành lập - 1961

(đường Chu Văn Thịnh ngày nay)

Tháng 10-1962, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa III quyết định đổi tên Khu tự trị Thái - Mèo thành Khu tự trị Tây Bắc; thành lập lại 2 tỉnh: Sơn La, Lai Châu và lập tỉnh mới Nghĩa Lộ. Các cơ quan của khu Tây Bắc và tỉnh Sơn La đều đóng trên địa bàn Thị xã Sơn La.

Thời kỳ chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, Thị xã Sơn La trở thành trọng điểm bắn phá, hủy diệt của máy bay địch; các cơ quan, trường học, cơ sở sản xuất của khu và tỉnh đều sơ tán khỏi địa bàn Thị xã. Sau Hiệp định Pa ri về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam được ký kết ngày 27-01-1973, Ban Thường vụ Khu ủy Tây Bắc ra nghị quyết(5) địa điểm Thị xã Sơn La vẫn là thị xã cũ để tập trung khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa.

Thực hiện Nghị quyết Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa V kỳ họp thứ hai (12-1975) về bỏ cấp khu trong đơn vị hành chính của nước Việt Nam, Khu Tây Bắc giải thể. Tháng 6-1976, Tỉnh ủy quyết định các cơ quan hành chính sự nghiệp và các cơ sở sản xuất của tỉnh đóng ở Hát Lót, nơi di tản trong chiến tranh chuyển về Thị xã Sơn La. Thị xã Sơn La trở thành đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh.

Một góc Thị xã Sơn La năm 1976 (Khu cơ khí 7-11)

Để tạo điều kiện mở rộng và phát triển Thị xã, thực hiện Quyết định số 105-CP ngày 13-3-1979 của Hội đồng Chính phủ, sáp nhập 7 xã của huyện Mường La vào Thị xã Sơn La. Địa bàn Thị xã Sơn La lúc này gồm 2 khu phố: Chiềng Lề, Quyết Thắng và 8 xã: Chiềng Cơi, Chiềng An, Chiềng Xôm, Chiềng Ngần, Chiềng Sinh, Hua La, Chiềng Cọ, Chiềng Đen.

Thực hiện Quyết định số 03-CP của Hội đồng Chính phủ về đơn vị hành chính cơ sở nội thành, nội thị của Thị xã gọi là phường, 2 khu phố: Chiềng Lề, Quyết Thắng đổi gọi thành phường Chiềng Lề và phường Quyết Thắng.

Từ năm 1979 đến nay, diện tích của Thị xã không thay đổi, nhưng tên gọi có sự đổi thay vì đô thị được mở rộng. Năm 1998, phường Chiềng Lề được chia tách thành 2 phường: Chiềng Lề và Tô Hiệu; phường Quyết Thắng cũng tách thành 2 phường: Quyết Thắng và Quyết Tâm; các xã đổi thành phường là: Chiềng Cơi, Chiềng An, Chiềng Sinh. Năm 2008, Thị xã có đủ các chỉ tiêu về đô thị loại III nên ngày 03-9-2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2008/NĐ-CP công nhận Thị xã Sơn La trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Hiện nay, Thành phố Sơn La có 5 xã: Chiềng Xôm, Chiêng Ngần, Hua La, Chiềng Cọ, Chiềng Đen và 7 phường: Chiềng Lề, Tô Hiệu, Quyết Thắng, Quyết Tâm, Chiềng Cơi, Chiềng An, Chiềng Sinh.

 

Ngày 26 tháng 4 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 466/QĐ-TTg công nhận thành phố Sơn La là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Sơn La

 

Thành phố Sơn La hôm nay

Hồng Thủy - Tổng hợp

0 bình luận

Viết bình luận của bạn

IZOMI