Những năm gần đây Cà phê Sơn La đã và đang trở thành mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Sơn La. Sản phẩm Cà phê Sơn La được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao. Tỉnh xác định phát triển cà phê đặc sản và chế biến sâu, đưa thương hiệu cà phê Sơn La ra thị trường quốc tế. Qua đó, góp phần ổn định đời sống và nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê trên địa bàn.
Cà phê Sơn La được thu hái đảm bảo chất lượng.
Năm 2017, sản phẩm cà phê Arabica Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Các sản phẩm được bảo hộ gồm: Cà phê nhân, cà phê hạt rang và cà phê bột; có 6 doanh nghiệp, HTX được Sở Khoa học và Công nghệ cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Để phát triển cây cà phê, tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng công nghệ cao vào canh tác diện tích cà phê hiện có. Đến nay diện tích cà phê toàn tỉnh là 18.963 ha, tổng sản lượng quả tươi đạt 33.375 tấn, trong đó có 16.727 ha được cấp chứng nhận bền vững và tương đương; 02 vùng trồng cà phê được UBND tỉnh công nhận vùng trồng ứng dụng công nghệ cao.
UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1887/QĐ-UBND ngày 12/9/2022 thành lập Tổ công tác giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với các cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh; Tăng cường các giải pháp xử lý môi trường đối với các cơ sở sơ chế cà phê quy mô hộ gia đình, hướng dẫn, giao trách nhiệm cho UBND cấp xã giám sát hoạt động của các cơ sở sơ chế; các cơ sở đã đầu tư xây dựng các hồ chứa chất thải và bể biogas để thực hiện lưu giữ, xử lý chất thải phát sinh trong quá trình chế biến. Các cơ sở chế biến cà phê đã quan tâm đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường và sử dụng hiệu quả các sản phẩm phụ để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ phát triển cây trồng như: Nhà máy chế biến cà phê Phúc Sinh, Cát Quế đã đầu tư thêm các hồ chứa nước thải; thu hút đầu tư mới Nhà máy phân bón Sông Lam tại Mai Sơn chế biến từ bã, vỏ cà phê.
Sản phẩm Cà phê Sơn La được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao.
Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp (đang lựa chọn nhà đầu tư cụm công nghiệp Hoàng Văn Thụ tại Thành phố) và thu hút các dự án chế biến cà phê vào trong khu, cụm công nghiệp. Trên địa bàn tỉnh tính đến hết năm 2022 có 07 cơ sở sơ chế cà phê nhân theo quy mô công nghiệp bằng phương pháp ướt; tổng sản lượng các cơ sở chế biến cà phê quy mô công nghiệp đạt tỷ lệ khoảng 50% sản lượng cà phê quả tươi toàn tỉnh.
Đến nay, tổng sản lượng cà phê nhân trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt 29.649 tấn, tiêu thụ, xuất khẩu trên 95% còn lại khoảng 5% đưa vào các cơ sở chế biến cà phê rang, cà phê xay, cà phê bột, cà phê hòa tan, cà phê túi lọc, trà vỏ cà phê tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Sản lượng cà phê xuất khẩu năm 2022 đạt 30.500 tấn với giá trị trên 82,2 triệu USD (chiếm 37,6% tổng giá trị hàng nông sản tham gia xuất khẩu của tỉnh) tại Thị trường EU, Bắc Mỹ, Hoa Kỳ, các nước Trung Đông và ASEAN.
Thời gian tới, tỉnh Sơn La tập trung phát triển dòng sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao, nâng tầm thương hiệu và từng bước chiếm lĩnh thị trường tiềm năng trong nước, quốc tế... Mục tiêu xuất khẩu cà phê hướng tới thị trường các nước Châu Âu, Bắc Mỹ, Hoa Kỳ, các nước Trung Đông và ASEAN. Phấn đấu năm 2023, Sản phẩm Cà phê tham gia xuất khẩu đạt 31.500 tấn; giá trị sản phẩm cà phê tham gia xuất khẩu phấn đấu đạt trên 83,1 triệu USD.
Lê Hồng
0 bình luận