Phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, những năm qua, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương tập trung thực hiện quy hoạch, thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển du lịch, bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với xây dựng các điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn.
Sơn La là tỉnh miền núi Tây Bắc, nằm ở độ cao trung bình 600-700 m so với mực nước biển, địa hình đồi núi và có dòng sông Mã và sông Đà chảy qua, tạo nên cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn. Bên cạnh đó, Sơn La còn là nơi sinh sống của 12 dân tộc anh em, với những nét văn hoá truyền thống, các di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng... tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách đến Sơn La nghỉ dưỡng, trải nghiệm, chinh phục mạo hiểm hay tìm hiểu về văn hóa của các dân tộc.
Các Homestay chuẩn bị để đón khách du lịch.
Năm 2015, tại bản Áng, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, các hộ dân đã đầu tư chỉnh trang nhà ở theo kiến trúc đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái mang tính tự phát, cung cấp dịch vụ homestay nghỉ dưỡng tại nhà người dân, trải nghiệm phong tục tập quán, văn hóa, ẩm thực địa phương... Năm 2017, huyện Mộc Châu đã hỗ trợ kinh phí cho bản Áng, xã Đông Sang phát triển đồng bộ loại hình du lịch cộng đồng theo bài bản, cải tạo nhà ở và sửa chữa, nâng cấp nhà vệ sinh, di dời chuồng trại ra khỏi khu khách du lịch nghỉ. Cùng với đó, năm 2020, Phòng Văn hóa Thông tin huyện phối hợp với Dự án Great do Chính phủ Úc tài trợ tiếp tục xây dựng thêm bản Tà Số, xã Chiềng Hắc phát triển theo hướng du lịch cộng đồng. Bản Tà Số đã được hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa, công trình điện chiếu sáng trung tâm bản và hỗ trợ 600 triệu đồng cho các hộ làm dịch vụ homestay. Hiện, bản Tà Số đã sẵn sàng đón khách. Như vậy, huyện Mộc Châu đang có 4 điểm du lịch cộng đồng tại các xã Mường Sang, Tân Lập và Chiềng Hắc.
Anh Mùa A Hạng, Phó Ban quản lý du lịch cộng đồng bản Tà Số, chia sẻ: Ban quản lý du lịch có 9 thành viên với nhiệm vụ tuyên truyền, vận động các hộ thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường; duy trì, phát huy những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông, như: Phục dựng nhà cổ, lưu giữ các nghề truyền thống thêu, rèn... Quản lý, nhắc nhở các hộ kinh doanh homestay làm nhà ở theo kiến trúc chung của đồng bào dân tộc Mông, thống nhất bảng giá dịch vụ chung, quản lý không để các hộ tự ý tăng giá dịch vụ... góp phần phát triển du lịch cộng đồng bền vững, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào người Mông.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có các điểm du lịch cộng đồng tại các huyện, thành phố, thu hút đông đảo du khách đến du lịch, nghỉ dưỡng. Ông Vì Văn Khè, chủ hộ homestay Sơn Khè, bản Mòng, xã Hua La, Thành phố, cho biết: Trước đây, gia đình chủ yếu trông vào nguồn thu từ 24 phòng tắm khoáng, bể ngâm phục hồi sức khỏe, thu nhập trung bình khoảng 40 triệu đồng/tháng. Năm 2018, sau khi đầu tư 1,6 tỷ đồng dựng nhà sàn theo lối kiến trúc truyền thống của người Thái để kinh doanh dịch vụ homestay, gia đình còn được Thành phố hỗ trợ 45 triệu đồng cải tạo nhà vệ sinh công cộng, hỗ trợ mua sắm giường, chăn, đệm. Ngoài kinh doanh dịch vụ tắm suối khoáng, gia đình cung cấp thêm các dịch vụ nghỉ dưỡng, ẩm thực, tổ chức múa xòe, nhảy sạp để đa dạng các dịch vụ trải nghiệm văn hóa đồng bào dân tộc Thái, nâng doanh thu của gia đình tăng lên gấp đôi, cuộc sống được cải thiện rõ rệt.
Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Thúc đẩy phát triển loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn, HĐND tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết 22/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Nghị quyết đã hỗ trợ triển khai 4 lớp tập huấn kỹ năng nghề du lịch; hỗ trợ xây dựng 6 bản du lịch cộng đồng; hỗ trợ 31 hộ làm homestay kinh doanh du lịch cộng đồng tại bản và hỗ trợ 2 homestay vay vốn lãi suất thấp với tổng kinh phí 750 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các huyện, thành phố đã chủ động bố trí vốn đầu tư và kêu gọi xã hội hóa đầu tư, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn. Bố trí ngân sách địa phương sửa chữa, cải tạo đường giao thông kết nối với các khu, điểm du lịch, bản du lịch. Đồng thời, huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống điện chiếu sáng dọc đường vào nhà văn hóa, dọc trục đường nội bản; trồng hoa, cây xanh; hỗ trợ hệ thống thu gom rác, hệ thống biển chỉ dẫn và xây dựng nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ đầu tư xây dựng 21 biển quảng bá và biển chỉ dẫn du lịch, hỗ trợ xây dựng 50 công trình nhà vệ sinh đạt chuẩn tại các điểm cộng đồng, điểm dịch vụ nghỉ homestay và hỗ trợ lắp đặt hệ thống xe rác, thùng rác và trạm xử lý rác thải tại các bản du lịch cộng đồng.
Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La đang tham mưu HĐND, UBND tỉnh xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển du lịch nói chung và hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng nói riêng. Trong đó, tập trung hỗ trợ đầu tư hạ tầng giao thông, cải tạo cảnh quan không gian; đào tạo nâng cao nguồn nhân lực, tập huấn về chuyển đổi số và các hình thức cách thức triển khai làm du lịch, các sản phẩm và hỗ trợ xây dựng các bản du lịch cộng đồng phù hợp với định hướng phát triển du lịch của tỉnh.
Loại hình du lịch cộng đồng được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng do người dân quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Mục tiêu của tỉnh ta đến năm 2025, đón khoảng 5,2 triệu lượt khách, trong đó khoảng 500.000 lượt khách quốc tế, với tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 5.800 tỷ đồng. Trọng tâm là sẽ phát triển du lịch gắn phát triển nông nghiệp nông thôn và chương trình mục tiêu phát triển quốc gia về nông thôn mới. Đồng thời, tham mưu vận dụng hỗ trợ của Dự án Great đầu tư phát triển du lịch cộng đồng ở một số bản đã hình thành và phát triển hiệu quả. Thông qua phát triển du lịch cộng đồng góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo các dân tộc, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Lê Hồng
0 bình luận