Sản phẩm ẩm thực đặc trưng vùng Tây Bắc
Nói đến ẩm thực vùng Tây Bắc, chắc hẳn bất cứ ai đã đặt chân đến vùng đất này đều đọng lại nhiều ấn tượng về Rượu cần. Rượu cần khác hẳn với rượu thường, rượu được ủ trong một chiếc chum nhỏ dùng khai chương trong những buổi tiệc tùng, lễ cưới, đón khách, hội múa xoè...
Rượu là loại ẩm thực khoái khẩu của bà con, tuy nhiên để làm ra chum rượu đạt chất lượng đặc trưng, bà con thường dùng loại chum gốm Mường Chanh (Sản phẩm nghề thủ công truyền thống của dân tộc Thái xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn) để ủ rượu. Để làm được 01 chum rượu cần ngon đòi hỏi nghệ nhân có kinh nghiệm, tay nghề cao.
+ Nguyên liệu: Gạo nếp, men lá, vỏ trấu, chum đựng
+ Cách làm: Dùng gạo nếp đãi sạch ngâm 1 ngày, vớt ráo nước, trộn thêm ½ vỏ chấu rửa sạch bỏ vào chõ xôi lên cho chín hạt gạo, đổ ra mẹt quạt hết khói cơm, rắc một lượng bột men nhất định sau đó trộn đều bỏ vào chum sao cho vừa tới cổ chum. Tiếp theo dùng một một miếng lá chuối tươi gấp đôi vừa lọt miệng chum và dùng tro bếp sạch thấm chút nước ốp kín mặt chum để giữ mùi thơm của rượu. Việc ủ rượu phải đạt từ 7 - 10 hoặc 15 ngày tuỳ theo mùa, theo thời tiết. Như vậy đã hoàn thành chum rượu cần.
+ Cách dùng: Mở nắp chum rượu, đổ 2 lít nước lọc, ủ khoảng 1 tiếng, dùng ống cây trúc đục xuyên thủng cắm sâu vào chum rượu để uống; mỗi lần từ 5 - 6 người uống, mỗi người dùng một ống trúc (đã đục thông) để mút rượu. Rượu cần có vị ngon, ngọt nhẹ, ít say hơn rượu nấu. Đến với bất cứ bản du lịch cộng đồng nào ở Sơn La, du khách đều có thể thưởng thức rượu cần. Rượu cần sẽ được đặt bên đống lửa trại, du khách cùng hòa mình trong tiếng hát Inh lả ơi, với nhạc điệu sập sình, cùng cầm tay nhau múa xòe để phần nào cảm nhận sự ấm cúng đoàn kết của bà con vùng Tây bắc sau một ngày làm việc vất vả để chuẩn bị cho một ngày mới nhiều cảm hứng trong lao động, cuộc sống…
0 bình luận