Giếng nước nhà tù Sơn La

Giếng nước nhà tù Sơn La

Năm 1904, để tạo điều kiện tốt nhất cho chính quyền địa phương hoạt động, toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuyển tỉnh lị Vạn Bú về Sơn La và đổi tên tỉnh Vạn Bú thành tỉnh Sơn La

Giếng nước nhà tù Sơn La

 

Giếng nước nhà tù Sơn La hiện nay nằm trong khuôn viên quảng trường Tây Bắc, Thành phố Sơn La

          Năm 1904, để tạo điều kiện tốt nhất cho chính quyền địa phương hoạt động, toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuyển tỉnh lị Vạn Bú về Sơn La và đổi tên tỉnh Vạn Bú thành tỉnh Sơn La. Đồi Khau Cả được chính quyền thực dân Pháp lựa chọn để xây dựng các cơ quan hành chính, y tế, quân sự quan trọng. Đặc biệt gia đình công sứ Sơn La và các công chức của bộ máy cai trị tỉnh Sơn La cũng ở tại đây, bên cạnh việc xây dựng cơ sở, nhà công vụ thì việc đảm bảo điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho công chức rất được chú trọng.

          Trong đó vấn đề cấp thiết là tìm nguồn nước cung cấp cho đồi Khau Cả do Phòng Công chính Bắc Kỳ đảm nhận với yêu cầu nguồn nước phải gần với khu công sở để chi phí lắp đặt hệ thống dẫn nước ở mức thấp nhất. Hội đồng Y tế tỉnh có nhiệm vụ giám sát chất lượng nguồn nước[1].

          Thời điểm đó, người dân địa phương lấy nước từ sông suối hoặc nước mưa để sử dụng. Lượng nước chỉ lấy đủ dùng trong ngày vì ngoài các ống bương, ống tre để đựng nước họ không có bất kỳ một dụng cụ tích trữ nước nào khác. Đa số người dân địa phương từ lâu đời đã hình thành tập quán tụ cư quanh các con sông, con suối. Một bộ phận người dân cư trú trên vùng rẻo cao, không gần sông suối họ có kinh nghiệm tìm các mạch nước từ trên cao chảy xuống và khơi rộng ra (mó nước) để lấy nguồn nước cho sinh hoạt, họ không tìm các nguồn nước sâu và đào thành giếng như cư dân miền xuôi.

          Tại khu vực tỉnh lỵ mới, có suối Nặm La nằm ngay dưới chân đồi Khau Cả, Hội đồng Y tế tỉnh Sơn La đã tiến hành khảo sát và thấy rằng nước suối bị nhiễm carbon sunfua cùng với tập quán địa phương chăn nuôi thả gia súc, gia cầm, nước không đảm bảo vệ sinh, không thể sử dụng trực tiếp nên đã có biên bản ngày 29/5/1907 báo cáo lên Khu Công chính Bắc Kỳ như sau: “Nước cung cấp cho Sơn La chủ yếu từ suối. Nên nước có thể bị nhiễm bẩn. Công sứ Sơn La đề nghị phòng Công chính đào đất sâu xuống 2 hoặc 3 m để tìm nguồn nước và ở đó xây dựng một bể chứa hoặc một đường ống dẫn nước bằng xi măng. Đây là cách duy nhất để tránh tình trạng nước bị ô nhiễm. Bác sỹ yêu cầu phòng Công chính thi công theo một dự toán một tháp nước trên đồi và dẫn nước từ suối lên”. Bác sỹ Cecconi phụ trách Hội đồng Y tế tỉnh đã đốc thúc Công sứ Sơn La, ngày 03/10/1907 có công văn gửi Thống sứ Bắc Kỳ đề đạt nguyện vọng xây dựng các bể xử lý carbon sunfua ở trạm quân y, đường ống dẫn nước cho các công trình đang xây dựng và đề nghị có phương án xây dựng nhà tắm cho tù nhân trong nhà tù Sơn La.

          Trong thời gian chờ đợi công trình chính thức đưa vào phục vụ, phòng Công chính đã có phương án sử dụng kinh nghiệm của người dân địa phương tìm các nguồn nước từ trên cao chảy xuống và lắp đặt hệ thống ống xi măng dẫn nước cho đồi Khau Cả, nhưng dự tính chi phí quá cao nên phương án này bị bãi bỏ.

          Khu Công chính Bắc Kỳ đã khẩn trương khảo sát các khu vực lân cận chân đồi Khau Cả, đồng thời yêu cầu các trưởng bản dân tộc Thái báo cáo về các mạch nước ngầm trong khu vực và nhận được kết quả khả quan: Mạch nước tại bản Nà Coóng cách tòa công sứ một cây số được đánh giá có trữ lượng nước ổn định quanh năm, chỉ cần khoan sâu 4-5 m đã có mạch nước rất mạnh[2]. Vì vậy, tại đây Công sứ Sơn La đã khẩn trương cho đào giếng, xây be bằng gạch[3], phía trên thành giếng xây tháp cao 6m để đặt bể lọc. đồng thời trên đỉnh đồi Khau Cả cũng xây một tháp nước 50m³, một bể tích trữ nước sạch cho toàn khu công sở và thiết kế một hệ thống ống dẫn nước bằng xi măng trát đất sét để dẫn nước từ giếng lên tháp nước trên đồi. Với độ cao của đồi Khau Cả là 62,5m, dự toán kinh phí lên đến 8.000đ Đông Dương, nên hệ thống dẫn nước không thực hiện được và tù nhân Nhà tù Sơn La phải dùng xe kéo tay chở nước hoặc gánh nước lên đồi Khau Cả phục vụ tòa Công sứ, gia đình các công chức, trại Giám binh, khu công chức, trạm y tế của thực dân Pháp[4].

 

Bản đồ khảo sát nguồn nước tại chân đồi Khau Cả

của Khu Công chính Bắc Kỳ năm 1907

          Nước giếng chỉ phục vụ cho bộ máy cai trị của thực dân Pháp nhưng cũng chỉ đủ để ăn uống còn các nhu cầu khác phải sử dụng nước suối. Công việc lấy nước (kể cả nước giếng và nước suối) cai ngục nhà tù Sơn La giao cho đội tù nhân có khoảng 5 đến 7 người, dùng xe kéo tay chở được hai thùng phuy nước cùng nhau đẩy ngược dốc lên đồi Khau Cả, mỗi người chịu mức khoán 7 xe nước một ngày. Thời điểm mùa khô nước giếng không kịp lọc, tù nhân phải gánh nước đổ vào các bể chứa của gia đình các công chức và các công sở. Tranh thủ đi lấy nước, tù nhân chính trị nhà tù Sơn La đã tiếp xúc với người dân địa phương để làm công tác dân vận, nắm bắt tình hình đấu tranh của nhân dân miền xuôi và nghe ngóng động tĩnh của đội ngũ thực dân, tay sai trong vùng.

           Qua các tài liệu lịch sử Sơn La thời kỳ Pháp thuộc đã khẳng định đây là giếng đầu tiên của tỉnh Sơn La, cùng với kỹ thuật khoan thám sát, xây bao bằng gạch của người Pháp, hiện nay nằm trong khu quảng trường Tây Bắc dưới chân đồi Khau Cả và là một hạng mục của quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La gắn liền với thành quả của công tác dân vận và quá trình hình thành, hoạt động của Chi bộ Nhà tù Sơn La.

Nguyễn Thị Ngọc Tú- Bảo tàng tỉnh Sơn La

0 bình luận

Viết bình luận của bạn

IZOMI