Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc

Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc

Ngày 07/5/1959, Bác Hồ cùng Đoàn đại biểu Chính phủ lên thăm đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gợi lại hình ảnh Bác đến thăm và nói chuyện với nhân dân các dân tộc Tây Bắc. Quảng trường Tây Bắc thể hiện được mong muốn, niềm tự hào chung, quy tụ đoàn kết đồng bào các dân tộc Tây Bắc.

Toàn cảnh Quảng trường Tây Bắc

Năm 1952, để chuẩn bị giải phóng Tây Bắc khỏi sự chiếm đóng của thực dân Pháp, ngày 17/7/1952, Trung ương quyết định tách 4 tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái thuộc Liên khu Việt Bắc để thành lập Khu Tây Bắc. Từ ngày 30/7/1952, Khu ủy Tây Bắc đi vào hoạt động. Ngày 28/01/1953, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 134- SL chính thức thành lập Khu Tây Bắc. Năm 1955, Khu tự trị Thái - Mèo được thành lập. Đến năm 1962 khu tự trị Thái - Mèo đổi tên thành Khu tự trị Tây Bắc, thủ phủ của Khu được đặt tại Sơn La. Ngày 07/5/1959, Bác Hồ cùng Đoàn đại biểu Chính phủ lên thăm đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gợi lại hình ảnh Bác đến thăm và nói chuyện với nhân dân các dân tộc Tây Bắc. Quảng trường Tây Bắc thể hiện được mong muốn, niềm tự hào chung, quy tụ đoàn kết đồng bào các dân tộc Tây Bắc.

Tượng đài Bác Hồ được làm bằng hợp kim đồng, cao tổng 12,6m. Trong đó, là hình ảnh, khuôn dung của Bác Hồ vào thời điểm lịch sử Bác lên thăm Khu tự trị Thái - Mèo năm 1959 tại Thuận Châu, Yên Châu và Mộc Châu. Nét mặt, khuôn dung của Bác thể hiện sự gần gũi, ân cần, giản dị. Tay phải Bác giơ cao chào đồng bào, tay trái để tự nhiên theo nếp quần, chân Bác đứng song song, đi dép cao su và tất. Phía sau tượng đài Bác Hồ là bức phù điêu với hình bông hoa Ban cách điệu, loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, có 05 cánh. Mặt trước phù điêu thể hiện các địa danh, nét văn hóa dân tộc, văn hóa đặc trưng 06 tỉnh Tây Bắc: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình, Lào Cai. Mặt sau phù điêu thể hiện địa danh, nét văn hóa dân tộc, văn hóa đặc trưng của tỉnh Sơn La được khắc họa chân thực và hết sức sống động, nổi bật như: Lễ hội Hết Chá của người Thái; trò chơi Rồng ấp trứng của người Mông; Múa Tăng Bu của người Kháng, La Ha, Xinh Mun, Khơ Mú; Kéo co các dân tộc; Múa khèn của người Mông; Múa Chuông của người Dao; Cánh đồng cỏ, đàn bò sữa trên cao nguyên Mộc Châu; Cánh đồng Mường Tấc (Phù Yên); Cầu Pá Uôn; Lòng hồ thủy điện Sơn La; Di tích văn bia Tây Tiến.

Quảng trường Tây Bắc tại thành phố Sơn La là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, chính trị có quy mô cấp vùng; thuận tiện trong giao thông đi lại trong vùng, giữa các thiết chế văn hóa, chính trị của tỉnh.

Một số hình ảnh: Quảng trường Tây Bắc tại thành phố Sơn La, nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, chính trị

Bí thư thành ủy thành phố Sơn La đánh trống khai Hội

Chương trình nghệ thuật trong Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Tây Bắc tại Sơn La và Khánh thành tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Chương trình văn nghệ chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV

Hai bên Quảng trường là hai bức Thạch văn thể hiện biểu tượng 06 phiến đá góp thành khối Đại đoàn kết và tượng trưng cho 06 tỉnh Tây Bắc.

Đền thờ Bác Hồ, được đặt trên đồi cảnh quan phí sau tượng đài Bác Hồ và phù điêu với diện tích 1600m2, là nơi đồng bào dân tộc Tây Bắc nói riêng và du khách thập phương tỏ lòng thành kính tưởng nhớ Bác, mang tính giáo dục cao cho các thế hệ ghi nhớ công ơn của Bác - vị cha già dân tộc.

Khu vực Ao cá Bác Hồ với diện tích 1,34ha trong đó 1,2ha diện tích mặt nước. Bên cạnh Ao cá Bác Hồ có giếng nước và tháp nước, do thực dân Pháp xây dựng năm 1907 để cung cấp nước phục vụ cho Tòa Công sư, gia đình các công chức, trại Giám binh, khu công chức, trạm y tế của thực dân Pháp (giếng và tháp nước thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La).

Ảnh Đức Mạnh: Một góc Ao cá Bác Hồ

Bên cạnh Ao cá Bác Hồ là một sân khấu và không gian có thể tổ chức các sự kiện vừa và nhỏ.

Khu đồi cảnh quan với diện tích 6,67ha, được thiết kế hài hòa theo hình thái phong thủy (ngũ nhạc) và chan hòa cùng thiên nhiên khi được trồng rất nhiều loại cây mang bản sắc dân tộc vùng Tây Bắc.


0 bình luận

Viết bình luận của bạn

IZOMI