Nghề nhuộm chàm thủ công truyền thống

Nghề nhuộm chàm thủ công truyền thống

Để tạo ra được sản phẩm thủ công đẹp, chỉ những người phụ nữ khéo tay kiên trì có kinh nghiệm có vật liệu thì mới tạo ra được sản phẩm như ý. Việc nhuộm chàm đòi hỏi rất công phu, theo đúng quy trình thì sản phẩm làm ra mới được bền, đẹp...

Nhuộm chàm là nghề thủ công truyền thống của dân tộc Thái tỉnh Sơn La. Sản phẩm làm ra được dùng trong việc may trang phục và đồ dùng trong gia đình. Trước đây bà con dân tộc Thái rất quan tâm tới nghề thủ công này, bởi vật liệu để nhuộm chàm luôn sẵn có và sản phẩm làm ra luôn được người sử dụng yêu thích.  
          Để tạo ra được sản phẩm này, chỉ những người phụ nữ khéo tay kiên trì có kinh nghiệm có vật liệu thì mới tạo ra được sản phẩm như ý. Việc nhuộm chàm đòi hỏi rất công phu, theo đúng quy trình thì sản phẩm làm ra mới được bền, đẹp... Dụng cụ để nhuộm chàm gồm có:
 - Cây chàm ( Co hỏm ), 
 - Chum đựng nước chàm ( 0m nặm cham )
 - Nước vôi trong ( Nặm phòn),  
 - Chum nhuộm chàm ( om cặn nin)
 - Tro bếp ( Tau ),                                                        
 - Bàn đập vải bằng đá ( pan tặp
 - Chum ngâm lá chàm (om chàm ),                            
 - Cây sục nước chàm ( co sục nin ).
 -  Cây đập vải ( Mạy tặp phải )
          -Bước 1: Làm nước chàm
          Thông thường vào tháng 9-10 thời tiết bắt đầu xe lạnh, trời không mưa, người phụ nữ cắt cây chàm mang về rửa sạch ngâm vào chum, sau 2 ngày 2 đêm kiểm tra xem là chàm đã sủi bọt thì vắt hết cuộng và lá vứt đi, để lại phần nước chàm trong chum; Tiếp theo rót 01 bát to nước vôi trong vào chum dùng cây sục chàm súc trong chum khoảng 1 giờ đồng hồ để bọt sủi đều, tạo men cho chàm, sáng sớm hôm sau gạn hết phần nước trong bên trên của chum chàm, chỉ để lại phần đặc ở bên dưới, chuyển sang lọc qua huốt đựng tro bếp rồi đựng vào chum nước chàm; Khi đựng vào chum nước chàm cần đậy cẩn thận để khỏi bụi hoặc con dán, côn trùng khác rơi vào. Như vậy bước tạo ra nước nhuộm đã thành công
          -Bước 2: Nhuộm chàm
         Nhuộm chàm là bước quan trọng không kém việc tạo ra nước chàm. Khi nhuộm thông thường nhuộm theo từng chau vải để may trang phục sẽ cùng màu. Trước hết giặt sạch vải bông và đặt lên bàn đập sao cho vải thật mền, như vậy chàm sẽ rễ dàng ngấm vào từng sợi vải. Sau đó người ta cho vải vào chum nhuộm dót từng gáo nước chàm vào vải rồi dùng tay bóp đều  vắt dáo nước, xếp vải thành lớp đặt lên bàn đá để đập khoảng 3 phút sau lại nhúng vào nước chàm bóp đều vắt khô rồi phơi ra nắng. Qui trình này diễn ra 4 lần; Vải chàm được chuyển thành màu xanh đen. Khi nhuộm đến lần thứ 5 cho vải ngâm xuống bùn 1 đêm sau đó bỏ lên giặt sạch mang về cuốn vải thành cuộn tròn có bọc một lớp lá chua ( Lá xổm lôm ) đặt vào chõ xôi khoảng 30 phút sau đó bỏ ra phơi. Lần thứ 6 nhuộm qua chàm xong ngâm vào nước vỏ cây dẻ qua 1 đêm đem phơi khô. Dùng 2 kg hạt bông giã nát cho vào nước lọc hết phần cặn dùng phần nước trong để ngâm vải chàm 1 ngày 1 đêm rồi cho vải vào chõ xôi lần thứ 2 theo qui trình như lần 1, sau 30 phút mang giặt sạch phơi khô. Như vậy vải đã được nhuộm xong.

          Nhuộm chàm là công việc đòi hỏi rất cầu kỳ, nếu chỉ có một sơ xuất nhỏ mẻ chàm sẽ bị hỏng do vậy người phụ nữ dân tộc Thái thường kiêng những ngày bị “ Trời đánh”, ngày pạt tông ( ngày gia đình có giỗ ), phụ nữ sau khi sinh không được nhuộm và nhìn vào chum chàm..
          Hiện nay nghề nhuộm chàm thủ công vẫn được một số bà con thuộc các bản, xã, huyện trong tỉnh phát huy. Sản phẩm làm ra vẫn được người sử dụng tin dùng không những đế may trang phục, đồ dùng gia đình mà còn là “liều thuốc” chữa bệnh cho những người hay bị dị ứng. Chắc hẳn nếu một lần đến du lịch cộng đồng Sơn La, du khách sẽ có cho mình và những người thân chiếc khăn piêu được thêu trên nền vải chàm đầy ấn tượng vùng Tây Bắc.

Tác giả bài viết: Phạm Thị Tân Thu

0 bình luận

Viết bình luận của bạn

IZOMI