SẢN PHẨM ĐỒ VẢI TRONG GÓC NGỦ CỦA NGƯỜI THÁI ĐEN TỈNH SƠN LA

SẢN PHẨM ĐỒ VẢI TRONG GÓC NGỦ CỦA NGƯỜI THÁI ĐEN TỈNH SƠN LA

Phụ nữ Thái nổi tiếng trồng bông, dệt vải và thêu thùa may vá, họ được học từ mẹ, từ chị khi còn rất nhỏ vì thế việc làm những vật dụng từ vải đã trở nên quen thuộc và gắn bó với đời sống hàng ngày của chị em

(Nghiên cứu tại bản Hìn, phường Chiềng An, thành phố Sơn La)

 

Phụ nữ Thái nổi tiếng trồng bông, dệt vải và thêu thùa may vá, họ được học từ mẹ, từ chị khi còn rất nhỏ vì thế việc làm những vật dụng từ vải đã trở nên quen thuộc và gắn bó với đời sống hàng ngày của chị em. Phụ nữ Thái tự làm tất cả các vật dụng bằng vải trong nhà, từ trang phục, cái chăn, gối, màn, đệm cho đến khăn mặt hay túi đeo,... Trong bài viết này, tôi muốn nhấn mạnh đến những sản phẩm đồ vải truyền thống là vật dụng liên quan đến góc ngủ của người Thái: đệm, gối, màn, ga đệm, chăn (đã có bài viết riêng). Đây là những nghiên cứu điền dã từ bản Hìn, phường Chiềng An, thành phố Sơn La những năm 2015-2018. Đồng bào Thái vẫn dùng đệm từ bông gạo, bông lau, gối là gối truyền thống, chỉ có chăn, màn và ga đệm đã được giao thoa văn hóa và do kinh tế thị trường nên hiếm có gia đình nào còn dùng những vật dụng này như trong giai đoạn trước

Đệm (xứa)

Đệm Thái có hai loại là đệm nằm (xứa non) và đệm ngồi (xứa nằng). Đây là một sản phẩm hết sức đặc biệt của người Thái Đen ở Sơn La cũng như ở cả Tây Bắc.

Dù cuộc sống hiện đại đã đến các bản làng của người Thái, nhưng con gái Thái từ lúc 12-13 tuổi đã bắt đầu việc làm chăn đệm để đến khi về nhà chồng tặng sao cho đủ mỗi người trong gia đình chồng được một đôi đệm. Đôi đệm bông lau ngoài gửi gắm tình cảm của cô dâu mới giành cho gia đình chồng, còn thể hiện được cái nết na đảm đang của người con gái Thái.

Việc làm đệm của các cô gái Thái bắt đầu từ lúc 12, 13 tuổi cho tới lúc cưới chồng. Bởi đến khi cưới là lúc cô gái Thái chọn được những đệm, chăn mà mình đã tự tay làm đẹp nhất để làm của hồi môn mang sang nhà chồng. Cô gái Thái không biết đi lấy lau thì bị coi là người không chăm chỉ, cô gái Thái không biết làm đệm thì bị coi là người con gái không khéo tay. Truyền thống này đã được gìn giữ từ đời này qua đời khác, đã tạo thành nét đẹp văn hóa của dân tộc Thái.

Xứa non – đệm nằm có đệm đơn và đệm đôi. Chiều dài đệm thường là 1m80, đệm đơn rộng 80cm còn đệm đôi rộng 1m60. Với bông lau, để làm đệm đơn cần từ 7-8kg bông, đệm đôi là 10-12kg bông. Với bông gạo lại nhẹ nhàng hơn, đệm đơn là từ 5-6kg, đệm đôi là 8-11 kg. Vải là vải bông được nhuộm chàm đen. Để làm đệm, trước tiên người ta phải dùng hai mảnh vải có chiều dài lớn hơn chiều dài của đệm thật từ 5-10cm bởi khi nhồi bông vào đệm sẽ có độ co nhất định. 2 mảnh vải được khâu đính lại với nhau theo các đường song song theo chiều ngang của đệm. Với 1 chiếc đệm dài 1m80 có tầm từ 23-25 đường đệm như vậy. mỗi đường đệm lại có các mũi khâu theo chiều ngang đó, mỗi mũi khâu cách nhau từ 4-5cm. khoảng cách giữa các đường khâu là để nhồi bông vào.

Trước khi nhồi bông người ta phải lấy 1 mảnh vải dài vừa với 4 mặt của đệm, rộng từ 5–8 cm chính là chiều cao (độ dày) của đệm. Mảnh vài này thường là vải “Khuýt”  hoặc vải màu đỏ hay chỉ cần khác màu với màu cả chiếc đệm. Người ta khâu kín 3 mặt của đệm với mảnh vải này, chỉ để lại 1 mặt không khâu kín để nhồi bông vào đệm. Khi đã nhồi kín bông người ta mới khâu lại cho kín cả cái đệm. Sau khi khâu xong để tạo ra thẩm mỹ cho chiếc đệm, người Thái còn khâu cạnh đệm để tạo ra những múi nhỏ cách nhau từ 2-3cm khiến cho đệm có thêm nét duyên dáng và đều đặn.

Một chiếc đệm bông lau được làm ra bằng cả công sức, sự khéo léo trong mỗi đường kim mũi chỉ và cả những ước nguyện sâu kín về một gia đình hạnh phúc của người con gái Thái. Vải làm đệm bông lau truyền thống vốn là vải thô nhuộm chàm hoặc dệt thổ cẩm. Chỉ khâu đệm lau cũng phải xe thật chắc. Khi làm, mặt đệm được chia thành các ô vuông nhỏ rồi khâu nhíu hai mặt đệm ở các góc của ô vuông như thế này gọi là bắt con. “Bắt con” đòi hỏi phải kiên trì tỉ mẩn và độ chính xác cao nhất trong khi làm đệm, bởi nếu không chuẩn thì mặt đệm khó có thể căng phồng một cách đều đặn. Bắt con xong rồi đến nhồi lau. Lau được nhồi căng thì đệm sẽ căng chặt, khi nằm sẽ không bị xẹp mỏng xuống. Khi nhồi đệm phải để ý phần diềm xung quanh của đệm, phải nhồi làm sao thành đệm phải cứng và thẳng đứng được thì đệm mới đẹp. Chỉ cần nhìn diềm đệm là người ta có thể đánh giá người làm đệm có cẩn thận hay không. Đệm bông lau khi hoàn thành thì mặt đệm sẽ không phẳng lì như những đệm mút hiện đại mà sẽ gợn sóng hình ô vuông nhỏ trông đẹp mắt và đấy cũng là điểm mang lại cho người nằm một cảm giác êm ái dễ chịu. Chiếc đệm nằm này là thứ mà gần như 100% các gia đình người Thái đều sử dụng và yêu thích nằm quanh năm. Ưu điểm của đệm này là sử dụng nguyên liệu tự nhiên và khá êm ái, rất ấm vào mùa đông hơn nữa những múi đệm có tác dụng rất tốt cho lưng. Các du khách khi đến thăm và được nằm trên những chiếc đệm này đã rất thích thú, họ cảm thấy mới lạ và rất khác biệt với các vùng miền khác.

Hình ảnh: chị Lò Thị Sơn đang nhồi đệm bông gạo tại cửa hàng Chăn đệm Vi Dương

(đường Tô Hiệu, thành phố Sơn La)

 

+ Đệm ngồi (xứa nằng): Cách làm đệm ngồi không khác gì đệm nằm, chỉ có điều đệm ngồi nhỏ hơn rất nhiều so với đệm nằm. Chiều dài và rộng thường là bằng nhau 40x40 cm hoặc là 35x35cm với chiều cao là 10cm. Đệm ngồi thường xuất hiện ở phòng khách và nơi ăn uống của đồng bào. Người Thái sử dụng nó là tấm lót khi ngồi tiếp khách uống nước cũng như ăn cơm. Hiện nay, mỗi gia đình người Thái sẽ có từ 6 đến 18 chiếc đệm ngồi này để dùng lót ghế ở phòng khách hoặc là dùng trong phòng ăn. Đặc biệt, những chiếc đệm ngồi này đã và đang trở thành 1 trong những sản phẩm trong du lịch hết sức thu hút. Các quán ăn, nhà hàng, homestay không chỉ ở Sơn La mà ở các tỉnh khác như Điện Biên, Yên Bái, Hà Giang, thậm chí là ở các quán cafe trong Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã xuất hiện những chiếc đệm ngồi của dân tộc Thái với hoa văn, màu sắc mới lạ nhưng vẫn giữ nguyên cách làm truyền thống của mình.

Hình ảnh: đệm ngồi dân tộc Thái

Ga đệm (lót xứa)

Được làm từ vải bông nhuộm chàm đen, là tấm vải dài hơn so với đệm nằm khoảng 5-10cm. Người Thái sẽ đặt tấm vải này lên trên đệm nằm và dém gọn gàng tấm vải đó vào 4 cạnh đệm không làm cho tấm vải bị xô đi. Ga đệm có tác dụng thẩm mỹ rất tốt, để che đi những múi đệm lộ ra và cả có tác dụng tạo sự êm ái hơn khi nằm lên đệm, giữ vệ sinh cho đệm nằm vì có thể thay ra giặt thường xuyên.

Gối (mọn hùa)

 Gối của người Thái được nhồi bằng bông lau hoặc bông gạo còn vỏ gối được làm từ vải thô và vải thổ cẩm. Gối có kích thước: dài 30cm, rộng 13cm, cao 8cm. Trước hết người ta phải tạo một khối hình hộp chữ nhật bằng vải, có hai ngăn ở giữa tạo ra ba khối hộp nhỏ theo chiều dọc chiếc gối.

Sau khi đã khâu một mảnh vải bịt 1 đầu gối, người ta nhồi bông đầy các ngăn gối rồi khâu bịt nốt đầu gối còn lại. Mặt gối được làm riêng, sau khi gối đã được nhồi căng người ta mới lấy 2 miếng vải thêu hoa văn ghép vào 2 đầu gối. Mặt gối được thêu hoặc chắp, ghép các mảnh vải màu tạo nên những hình bông hoa cánh tròn hoặc nhọn như tia sáng, xen vào đó là những mô típ hoa, dây leo, cành lá, bướm được cách điệu. Có gối đơn và gối kép. Gối kép là 2 chiếc gối được nối liền với nhau, gập lên nhau.

Hình ảnh: gối của người Thái (sưu tầm)

Màn (dắn)

Người Thái ngày xưa sử dụng màn làm từ vải bông nhuộm chàm đen, đó là những chiếc màn giống hiện đại nhưng khác ở chất liệu là chúng được làm từ vải bông và có màu đen. Kích thước của màn đủ để bao quanh cả chiếc đệm lớn, tùy thuộc vào đệm đơn hay đệm đôi mà người ta làm màn cho phù hợp. Màn Thái được làm từ 5 tấm vải lớn màu đen, khâu lại với nhau để trùm lên chăn đệm khi con người ngủ, nhằm mục đích tránh muỗi và tạo ra những khoảng không gian riêng. Những chiếc màn của người Thái đen có điểm nhấn là cạp trên của màn được khâu 1 dải khuýt dài bao quanh cả cái màn. Điều này có ý nghĩa không chỉ là thẩm mỹ mà còn muốn xua đuổi tà ma và những thứ không may mắn cho con người. Trong gia đình người Thái cổ truyền, thường thì mỗi cặp vợ chồng trong nhà sẽ là 1 màn và rất ít khi người ta dém màn lên mà cứ thả buông xuống cả ngày, nhằm ngăn cách từng cặp vợ chồng với nhau luôn. Chính vì thế ngày xưa người Thái không sử dụng tới rèm buông như bây giờ. Tuy nhiên hiện tại không còn thấy người Thái sử dụng những chiếc màn này do không đảm bảo an toàn sức khỏe và không tiện dụng như màn hiện đại.

            Hiện nay, tại thành phố Sơn La, nghề làm chăn đệm thổ cẩm dân tộc Thái đã trở thành thương hiệu và nguồn thu nhập của nhiều hộ kinh doanh lớn nhỏ. Đồng bào lưu giữ và bảo tồn những vật dụng này cũng chính là gìn giữ truyền thống, đưa văn hóa, bản sắc vào cuộc sống hàng ngày một cách tự nhiên cũng như góp phần quảng bá về dân tộc Thái đến bạn bè du khách bốn phương.

                Lường Ngọc Ánh – phòng NV BT-BT

Từ khoá:dệt vải

0 bình luận

Viết bình luận của bạn

IZOMI