Lãnh đạo cách mạng tiền bối tiêu biểu - Tô Hiệu

Lãnh đạo cách mạng tiền bối tiêu biểu - Tô Hiệu

Đồng chí Tô Hiệu thuộc lớp chiến sĩ cộng sản tiên phong của Đảng, có những cống hiến to lớn trong việc tái lập Xứ ủy Bắc Kỳ, gây dựng và phát triển phong trào công nhân vùng duyên hải gây tiếng vang lớn trong và ngoài nước, có tầm ảnh hưởng với cách mạng miền Bắc nước ta. Đồng chí là tấm gương sáng, một nhân cách cộng sản mẫu mực, trọn đời cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng. Năm 2022, kỷ niệm 110 năm ngày sinh - 78 năm ngày mất của nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam Tô Hiệu.

Phần 1. Thân thế và thời niên thiếu

Đồng chí Tô Hiệu thuộc lớp chiến sĩ cộng sản tiên phong của Đảng, có những cống hiến to lớn trong việc tái lập Xứ ủy Bắc Kỳ, gây dựng và phát triển phong trào công nhân vùng duyên hải gây tiếng vang lớn trong và ngoài nước, có tầm ảnh hưởng với cách mạng miền Bắc nước ta. Đồng chí là tấm gương sáng, một nhân cách cộng sản mẫu mực, trọn đời cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng. Năm 2022, kỷ niệm 110 năm ngày sinh - 78 năm ngày mất của nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam Tô Hiệu.

 

Ảnh đồng chí Tô Hiệu khi học trường Pháp Việt (1913-1915)

Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912 trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc tỉnh Hưng Yên), một miền đất cổ có từ thời Hùng Vương được mệnh danh  “địa linh nhân kiệt”, sản sinh nhiều danh sỹ hiền tài cho đất nước. Họ Tô ở làng Xuân Cầu nhiều đời là dòng họ khoa bảng, yêu nước. Ông nội đồng chí Tô Hiệu là cụ Tô Ngọc Nữu, đốc học Nam Định. Khi Tự Đức ký hiệp định đầu hàng Pháp, cụ từ chức về quê dạy học. Cụ kết thân với cụ Ngô Quang Huy, đốc học Bắc Ninh, sau này là ông ngoại của đồng chí Tô Hiệu. Cũng như cụ Nguyễn Thiện Thuật, cụ Ngô Quang Huy được vua Hàm Nghi phong tước Tán Tương quân vụ, là một lãnh tụ rất có uy tín trong phong trào Bãi Sậy do cụ Nguyễn Thiện Thuật (tức Tán Thuật) lãnh đạo. 

Cha của đồng chí Tô Hiệu là ông Tô Y (1877-1915), mẹ là bà Ngô Thị Lý (con gái danh tướng Ngô Quang Huy),ông Tô Y bệnh nặng, mất sớm khi bà Ngô Thị Lý mới 38 tuổi, cơ nghiệp để lại chỉ có một căn nhà gỗ với năm sào vườn, không có ruộng cấy cùng năm người con, hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn, khó khăn. Thừa hưởng bản lĩnh con của một vị danh tướng, bà Ngô Thị Lý là người thông minh và kiên cường, bà tần tảo, gồng gánh gia đình, dù đói vẫn để các con tiếp tục được học chữ. Mặc dù cuộc sống tưởng chừng như bế tắc nhưng bà vẫn giữ được tinh thần lạc quan, nhân hậu, những năm tháng cách mạng, bà lập cơ sở liên lạc và  nuôi dưỡng đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Trần Tử Bình, …  được người dân suy tôn là một trong những bà mẹ tiêu biểu, gương mẫu của phong trào phụ nữ cách mạng tỉnh Bắc Ninh trước đây (nay là tỉnh Hưng Yên). Phẩm hạnh và cốt cách của bà ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành nhân cách của các con. Đặc biệt, người con út Tô Hiệu thừa hưởng tư chất thông minh, hóm hỉnh, ứng xử điềm tĩnh, sâu sắc từ mẹ.

 

Cổng làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ

Gia đình đồng chí Tô Hiệu có năm anh chị em: Tô Tu, Tô Chấn, Tô Thị Xuyến, Tô Thị Phúc và Tô Hiệu. Tô Tu (1901 - 1977) người anh cả, người cha mẫu mực, người trưởng họ có uy tín, sống đức độ, thanh bạch và ngay thẳng. Sau khi cha mất, gia cảnh quá bần hàn, ông phải sang Lào làm thuê kiếm tiền giúp mẹ nuôi các em. Cha chưa kịp đặt tên cho các em, ông được học chữ nho nên đặt tên em là Tô Chấn (nghĩa là vang dội, lẫy lừng), Tô Hiệu (có nghĩa là giáo dục, thuyết phục). Quả đúng như vậy, sau này Tô Hiệu và Tô Chấn là những nhà cách mạng có tiếng tăm, có uy tín, có tầm ảnh hưởng lớn đến phong trào quần chúng.

Tô Chấn (1904 - 1936) thủ lĩnh chủ chốt của Việt Nam Quốc dân Đảng, nổi tiếng gan dạ, mưu trí, ông thực hiện nhiều cuộc mưu sát những tên thực dân đầu sỏ khiến chúng phải run sợ. Năm 1930, Tô Chấn bị địch bắt khi đang hoạt động tại Sài Gòn, tòa đại hình kết án tử hình, sau giảm án xuống tù chung thân và đày ra Côn Đảo. Ở đây, Tô Chấn hăng hái tham gia đấu tranh và hoạt động theo khuynh hướng cộng sản, thành viên tích cực trong Ban Lãnh đạo Chi bộ nhà tù Côn Đảo. Cuối 1936, Tô Chấn vượt ngục cùng Ngô Gia Tự và một số đồng chí khác, nhưng kế hoạch không thành công, đồng chí hy sinh trên biển.

  

Năm 1923, ở tuổi 11, Tô Hiệu bắt đầu hành trình tự lập trong cuộc đời, cậu trò nhỏ nông thôn Tô Hiệu bước chân ra thành thị Hải Dương theo học tại Trường Pháp - Việt (nay là Trường tiểu học Tô Hiệu, thành phố Hải Dương). Tuy môi trường mới hoàn toàn khác biệt, nhưng với sự lanh lợi, dễ gần, Tô Hiệu nhanh chóng kết thân với các bạn và bắt nhịp được với cuộc sống, thành tích học tập vượt trội, năm nào cũng được thầy khen ngợi là trò giỏi. Năm 1926, khi chí sỹ yêu nước Phan Chu Trinh mất, đám tang của cụ được tổ chức trọng thể tại Sài Gòn và lôi cuốn nhân dân nhiều tỉnh thành tham gia để tang, trở thành phong trào yêu nước, nhất  là tại các trường học. Thực dân Pháp lo sợ, dùng các biện pháp ngăn cấm, đàn áp. Tô Hiệu cùng các bạn lớp Nhất vô cùng kính trọng tinh thần yêu nước của chí sỹ Phan Chu Trinh, tham gia cùng đoàn học sinh bãi khóa đòi để tang cụ Phan Chu Trinh. Đó là bước đầu dấn thân vào con đường cách mạng của đồng chí Tô Hiệu.Hoạt động này vi phạm kỷ luật của nhà trường, nên mặc dù học rất giỏi, đồng chí Tô Hiệu vẫn bị buộc phải thôi học.

Trước tình hình đó, năm 1927, anh cả Tô Tu đã bố trí đưa Tô Hiệu lên Hà Nội theo học Cao đẳng Tiểu học ở Trường Trí Tri (nay là Trường Nguyễn Du, Hà Nội). Một lần nữa lại làm quen với môi trường mới, Tô Hiệu đi chân đất đến trường, mặc bộ quần áo vải thô cũ, trong khi các bạn thành thị đi giày dép, quần áo thơm tho, được đưa đón bằng xe đạp, các bạn có ý khinh miệt. Nhưng chỉ sau một vài tháng, với tính tình dễ mến cùng với sự nỗ lực học tập, ý thức kỷ luật tốt, sức học nổi trội, các bạn mới chuyển thái độ cảm mến với Tô Hiệu. Thời gian này, phong trào cách mạng ở Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ, là một người nhạy cảm và thấy rõ được sự khác biệt của cuộc sống nhân dân dưới sự bóc lột của thực dân, Tô Hiệu dũng cảm tham gia công tác tuyên truyền, vận động học sinh, nhân dân tham gia các hoạt động yêu nước. Đồng chí được kết nạp vào tổ chức Học sinh đoàn do Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng lãnh đạo, bắt đầu viết báo, cổ động nhân dân đứng lên đấu tranh, nhiệt tình tham gia các cuộc mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 01/5, kỷ niệm cách mạng Tháng Mười Nga 07/11, được tổ chức cử đi bảo vệ các đồng chí cấp trên diễn thuyết, căng biểu ngữ, phát truyền đơn, … Tham gia các hoạt động đó giúp cho Tô Hiệu ngày càng hiểu thêm tình hình đất nước, đặc biệt là nghĩa vụ của mỗi người dân Việt Nam trong công cuộc giải phóng dân tộc, đồng thời góp nhặt kinh nghiệm đầu tiên trên con đường cách mạng.

Những hoạt động của Tô Hiệu bị mật thám theo dõi gắt gao, Tô Chấn bàn với anh cả đưa Tô Hiệu vào Sài Gòn tránh tai mắt của địch. Thời điểm năm 1930, thủ lĩnh Nguyễn Thái Học cùng nhiều cốt cán Quốc dân Đảng bị thực dân Pháp sát hại, phong trào bị khủng hoảng. Tô Chấn với vai trò Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ tập hợp các thành viên còn lại để vào Sài Gòn khôi phục phong trào. Từ đây, Tô Hiệu lại bắt đầu lại bước chân vào một con đường mới, một môi trường hoạt động đầy gian khổ, nguy hiểm phía trước.

Tác giả:Nguyễn Thị Ngọc Tú - Bảo tàng tỉnh Sơn La

Từ khoá:Tô Hiệu

0 bình luận

Viết bình luận của bạn

IZOMI